MÙA CÁ NỤC
Hải sản biển xanh
Một ngày, trong giấc mơ màng, tôi chợt thấy hình ảnh cái chợ nhỏ xơ xác nơi làng quê ven biển của mình ngày nào. Thấy mẹ cắp cái rổ con đi chợ, ghé hàng cá mua mấy con cá nục tươi xanh để bên góc rổ, ghé hàng rau mua ít giá, trái cà chua, hai ba đoạn bạc hà và một miếng khóm. Tôi lại thấy chị lui cui làm cá bên lu nước, con nào kho thì lặt đầu nhét ngược vô bụng cá nục, con nào nấu canh thì để nguyên. Thế nào, vừa làm chị lại vừa gọi vống lên: “Út, đi hái cho chị nắm lá me non để chị nấu canh chua coi”.
Mà ngộ, mỗi lần tới mùa cá nục nằm ê hề, tươi xanh trong thúng của mấy bà rỗi trên chợ cũng là lúc những cây me trong xóm thay lá, xanh mởn, nhìn mát cả mắt, dịu cả lòng. Tôi leo lên bờ tường rồi vươn người bám một chạc cây gần đó, trèo sang. Tôi tuốt một nắm lá non cho vào miệng nhai ngồm ngoàm, vừa nhai vừa nheo nheo mắt vì chua. Nhét đầy lá me vào túi áo rồi, tôi sẽ nằm vắt trên chạc ba của cây me, khoan khoái nhìn những tia nắng chen qua tán lá xanh mướt mát ấy, tận hưởng cảm giác dịu dàng lạ lùng đang lan toàn thân. Cái cảm giác ấy, cho tới tận sau này, tôi mới biết tên gọi chính xác của nó, chính là hạnh phúc.
Công ty TNHH hải sản Biển Xanh
Trong cái bếp xuềnh xoàng, chị đang ngồi quạt than cho nồi nước mau sôi. Nhìn cái vẻ chăm chú của chị, tôi bất chợt phì cười. Năm chị vừa lên lớp sáu, mẹ đã lôi chị ra, nghiêm túc: “Con lớn rồi, học nấu ăn đi là vừa! Con gái không biết nấu ăn, sau này sao lấy chồng?” Sau đó, mẹ dạy chị cách nhóm lửa, nấu cơm, rồi dạy sang các món, món canh đầu tiên chị “thực hành” chính là món canh chua cá nục. Mẹ dạy chị cách canh khi nào nước vừa đủ sôi để thả cá, nấu bao lâu nhắc xuống cho nước canh khỏi đục… Lần đó, chị đã ụp cả rổ cá vào nồi nước đang sôi thay vì thả vào từng con một làm nước văng tung tóe. Chị khóc không phải vì mấy vết phỏng nước sôi mà là vì mẹ mắng chị là “con gái đoảng”.
Rồi chị đi lấy chồng phố núi. Ngày cưới của chị cũng vào mùa cá nục đầy bãi đầy chợ. Trước ngày cưới, chị cười dịu dàng với tôi: “Út, đi hái cho chị nắm lá me!”. Tôi lẳng lặng phốc lên đầu tường, bám qua nhánh me gần nhất, tuốt đám lá non nhét vào túi mà thấy lòng dạ nặng nề. Mãi sau này tôi mới biết, cảm giác đó gọi là buồn thương.
Bữa cơm hôm đó, tôi quên giành giật đầu cá nục béo ngậy với chị, quên cả việc gắp mấy con cá nục có thớ thịt dai chấm vào dĩa nước mắm sống có dằm thêm trái ớt hiểm. Mẹ thì liên tục gắp cá vào chén cho chị: “Ăn đi con, ở trển hiếm có cá tươi mà ăn!”. Chị cười cười, cảm ơn mẹ rồi nhìn tôi đang gằm mặt vô chén cơm: “Nhai cơm nhai cá chớ có nhai sạn đâu mà mày nhăn dữ vậy Út?”. Tôi im re, không lẽ nói, chị lấy chồng rồi chắc cá nục xứ này hết ngon?
Cá nục xứ này vẫn ngon dẫu không có chị vì mẹ giờ lại vào bếp. Mùa cá nục đến, mẹ hết nấu cá nục kho tiêu ăn với khế đến cá nục hấp cuốn bánh tráng, không thì cá nục chiên giòn ăn với mắm me, cá nục nướng ăn với muối tiêu chanh, mắm cá nục bằm chưng trứng vịt… Các món từ cá nục thay nhau xuất hiện liên tục trong các bữa ăn khi vào mùa làm tôi có lần muốn… khóc.
Rồi tôi rời quê, bon chen giữa chốn thị thành nhộn nhịp, miệng nếm qua không nhiều nhưng chắc chắn không ít món ngon vật lạ. Món cá nục gần như trở nên nhạt nhòa giữa hàng loạt mỹ vị. Cho đến một sáng, cô bạn thân gọi rủ rê: “Cậu sang nhà đi, tớ mới về quê, có đem cá nục vô nè! Quê mình đang vô mùa nên cá nục tươi với béo lắm.!”. Tôi đồng ý rồi sau đó thần người tự vấn, tôi đã quên bao mùa cá nục quê nhà?
Tỉnh giấc mơ màng, tôi gọi điện thoại cho mẹ, mẹ nói mẹ vừa đi chợ về, định làm món cá nục nấu canh chua lá me, hiềm nỗi, đành thay bằng gói me chín vì không nhờ được ai hái hộ lá me non. Mẹ hỏi, cuối tháng này chị tôi về thăm mẹ còn tôi thì đợi tới chừng nào mới về nhà? Chị lấy chồng phố núi còn về, tôi đi làm phố thị sao lại không? “Con sẽ về”, tôi cười nhẹ, “về còn hái lá me non cho chị với mẹ nữa chứ!”
Mẹ nói gì đó, hình như là một câu mắng yêu.
Tác giả Mỹ Ngọc
(Hải sản biển xanh)